Site icon FB68

Cảnh báo lũ quét, sạt lở đất tại vùng núi, trung du Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An

Cảnh báo lũ quét, sạt lở đất tại vùng núi, trung du Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An - Ảnh 1.

Theo Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia Mai Văn Khiêm, từ chiều 7/9 đến sáng 9/9, trên khu vực phía Tây Bắc Bộ có mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 100-200mm. Riêng các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Sơn La 150-300mm, cục bộ có nơi trên 400mm.

Hiện tại đảo Bạch Long Vỹ đã đo được gió mạnh cấp 12, giật cấp 14; tại đảo Cô Tô đã đo được gió mạnh cấp 7, giật cấp 11 và còn tiếp tục mạnh lên trong những giờ tới. Gió mạnh trên các huyện đảo này được dự báo lên tới cấp 12-13, giật cấp 14-15 sẽ rất nguy hiểm với các công trình xây dựng, đặc biệt với các công trình dân sự. Sóng lớn có thể làm sạt lở bờ biển, đánh sập các kè chắn sóng và các khu neo đậu tàu thuyền nếu không được chằng chống cẩn thận.

Trên biển và vùng ven biển, sóng do bão rất lớn nên sẽ tác động mạnh tới các khu du lịch ven biển, khu vực neo đậu tàu/thuyền, khu nuôi trồng thủy hải sản (đặc biệt khu vực Quảng Ninh, Thái Bình), sạt lở đê, kè biển. Ngoài ra, mặc dù thời điểm bão vào bờ có thủy triều thấp nhưng do nước dâng kết hợp với sóng trong bão rất lớn nên khả năng nhiều khu vực trũng, thấp ven biển vẫn bị ngập.

Gió mạnh cấp 10-12, giật cấp 14 cũng là vấn đề cần lưu tâm đối với các tỉnh, thành phố Quảng Ninh, Hải Phòng và Thái Bình. Gió mạnh và gió giật mạnh ở cấp độ này có sức tàn phá rất lớn đối với các công trình xây dựng; thổi bay các mái nhà không kiên cố, các tấm biển quảng cáo có kích thước lớn, ảnh hưởng lớn đến việc cất hạ cánh ở các sân bay: Vân Đồn, Cát Bi, Nội Bài.

Mưa lớn trên khu vực Bắc Bộ được dự báo trong khoảng 150-350mm, có nơi mưa xảy ra mang tính cực đoan đến 500mm, lại xảy ra trong một thời gian ngắn trong ngày 7 và 8/9 dẫn đến tình trạng ngập lụt diện rộng do nước không kịp thoát, đặc biệt đối với các khu vực đô thị, khu đông dân cư, các khu vực mỏ than lộ thiên, các công trình hầm lò ở Quảng Ninh.

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cũng cảnh báo, mưa lớn cũng dẫn đến tình trạng lũ quét, sạt lở đất trên khu vực vùng núi tỉnh Bắc Bộ và Thanh Hóa ở mức rất cao.

Dự báo ở các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có thể xuất hiện một đợt lũ, ngập lụt diện rộng tại khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa. Từ ngày 7-10/9, trên các sông suối khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa xuất hiện 1 đợt lũ. Nhận định đỉnh lũ trên các sông như sau: Đỉnh lũ trên sông Thao (Lào Cai, Yên Bái) ở mức báo động 1-báo động 2; đỉnh lũ trên sông Lô tại Tuyên Quang lên mức báo động 1; đỉnh lũ trên sông Cầu, Thương, Lục Nam trên báo động 1 – báo động 2; đỉnh lũ trên sông Hoàng Long lên mức báo động 2. Đỉnh lũ trên các sông nhỏ, các sông thượng nguồn tại các tỉnh miền núi phía Bắc, đặc biệt tại Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Tuyên Quang, Hòa Bình khả năng lên mức báo động 2 – báo động 3.

Cảnh báo nguy cơ ngập lụt diện rộng tại các tỉnh vùng núi, đồng bằng trung du Bắc Bộ, các khu đô thị; đặc biệt ở Quảng Ninh, Hải Phòng, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Yên Bái, Bắc Kạn, Thái Nguyên.

* Lũ quét, sạt lở đất tại vùng núi, trung du của Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An

Mưa lớn, tập trung trong thời gian ngắn là mối nguy đặc biệt về lũ quét, sạt lở đất, tập trung tại vùng núi, trung du của Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An.

Từ đêm 6/9 đến 8/9, cần đặc biệt lưu ý các huyện có nguy cơ rất cao sau đây:

– Quảng Ninh (12 địa phương): Thị xã Đông Triều, Quảng Yên, thành phố Móng Cái, Cẩm Phả, Uông Bí, Hạ Long, Ba Chẽ, Vân Đồn, Tiên Yên, Hải Hà, Đầm Hà, Bình Liêu.

– Lạng Sơn (10 địa phương): Hữu Lũng, Bình Gia, Lộc Bình, Văn Lãng, Cao Lộc, Văn Quan, Chi Lăng, Bắc Sơn, Đình Lập, thành phố Lạng Sơn.

– Bắc Kạn (6 địa phương): Ngân Sơn, Na Rì, Bạch Thông, Chợ Đồn, Chợ Mới, thành phố Bắc Kạn.

– Thái Nguyên (9 địa phương): Định Hóa, Phú Lương, Võ Nhai, Đồng Hỷ, Phú Bình, thị xã Phổ Yên, các thành phố Sông Công, Thái Nguyên và huyện Đại Từ.

– Bắc Giang (8 địa phương): thành phố Bắc Giang, Lục Nam, Tân Yên, Hiệp Hòa, Yên Thế, Sơn Động, Lục Ngạn, Lạng Giang.

-Vĩnh Phúc (5 địa phương): Sông Lô, Lập Thạch, Tam Đảo, Bình Xuyên, Phúc Yên.

– Hòa Bình (11 địa phương): Lương Sơn, Đà Bắc, Kim Bôi, Lạc Sơn, Cao Phong, Mai Châu, thành phố Hòa Bình, Kỳ Sơn, Lạc Thủy, Tân Lạc, Yên Thủy.

– Phú Thọ (9 địa phương): Cẩm Khê, Đoan Hùng, Hạ Hòa, Phù Ninh, Tân Sơn, Thanh Ba, Thanh Sơn, Thanh Thủy, Yên Lập.

– Tuyên Quang (4 địa phương): Sơn Dương, Chiêm Hóa, Yên Sơn, thành phố Tuyên Quang.

– Yên Bái (9 địa phương): Lục Yên, Yên Bình, Văn Yên, Trấn Yên, Văn Chấn, Mù Cang Chải, Trạm Tấu, thành phố Yên Bái, thị xã Nghĩa Lộ.

– Sơn La (8 địa phương): thành phố Sơn La, Mai Sơn, Yên Châu, Mường La, Mộc Châu, Vân Hồ, Phù Yên, Bắc Yên.

– Lai Châu (3 địa phương): Tam Đường, Tân Uyên, Than Uyên.

– Lào Cai (4 địa phương): Bát Xát, Sa Pa, Văn Bàn, Bảo Yên.

– Thanh Hóa (10 địa phương): Lang Chánh, Thường Xuân, Quan Hóa, Mường Lát, Như Xuân, Quan Sơn, Bá Thước, Cẩm Thủy, Ngọc Lặc, Thạch Thành.

– Nghệ An (4 địa phương): Quế Phong, Quỳ Châu, Tương Dương, Kỳ Sơn.

Exit mobile version