Site icon FB68

Điện Biên: Nghiên cứu, đề xuất phục dựng Đền thờ Đức thánh Trần tại Di tích Đồi A1

Điện Biên: Nghiên cứu, đề xuất phục dựng Đền thờ Đức thánh Trần tại Di tích Đồi A1 - Ảnh 1.

Ngày 15/9, UBND tỉnh Điện Biên tổ chức Hội thảo khoa học về nghiên cứu, đề xuất phục dựng Đền thờ Đức thánh Trần tại Di tích Đồi A1. 

Dự hội thảo có các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, các chuyên gia đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu, lãnh đạo tỉnh Điện Biên và một số sở, ban, ngành…

Phát biểu tại Hội thảo, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên Trần Quốc Cường cho biết: Thời gian qua, tỉnh Điện Biên đã phối hợp với một số chuyên gia, nhà khoa học các trường đại học, các tổ chức nghiên cứu khoa học lĩnh vực văn hóa, lịch sử, bảo tàng, kiến trúc, xây dựng; liên hệ với cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam (như Đại sứ quán Pháp tại Hà Nội), các tổ chức trong và ngoài nước để thu thập thông tin, tư liệu, tài liệu liên quan đến ngôi Đền thờ “Đức thánh Trần” tại Đồi A1, thành phố Điện Biên Phủ trước đây đã bị quân đội Pháp phá hủy.

Bước đầu đã sưu tầm được một số hình ảnh, tài liệu thông tin có giá trị về mặt lịch sử, văn hóa liên quan đến ngôi Đền. Tại Hội thảo này, tỉnh mong sẽ nhận được các ý kiến đánh giá khách quan, khoa học về lịch sử, kiến trúc, quản lý di tích cùng các bằng chứng xác thực làm cơ sở để nghiên cứu, đề xuất phục dựng ngôi Đền tại Di tích Đồi A1; góp phần khôi phục, bổ sung thêm công trình lịch sử văn hóa của địa phương…

Tại Hội thảo, các đại biểu được nghe báo cáo về công tác bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ và Di tích Đồi A1; một số thông tin về lịch sử hình thành, phát triển của tỉnh Điện Biên, các di tích: Hang Thẩm Púa, hang Thẩm Khương, công trình tâm linh Đền Hoàng Công Chất, Đền vua Lê…

Ngoài ra, các đại biểu được nghe báo cáo và trình chiếu một số tư liệu, tài liệu liên quan trong quá trình thu thập thông tin liên quan đến Đền thờ “Đức thánh Trần” tại Di tích Đồi A1. Theo đó, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Điện Biên đã thu thập được 6 bức ảnh, tìm hiểu được một số thông tin liên quan đến các nhân vật, sự kiện trong các bức ảnh và một số tài liệu liên quan đến Đền thờ Đức thánh Trần tại Di tích Đồi A1.

Tham luận tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học, nghiên cứu cho rằng vị trí Đền thờ không nằm trên khu vực đỉnh đồi mà có khả năng cao nằm ở vị trí bên phải đường lên Di tích Đồi A1 ngày nay. Đồng thời, các chuyên gia, nhà khoa học, nghiên cứu cũng nhất trí việc phục dựng Đền thờ Đức thánh Trần tại Điện Biên là phù hợp và đúng với xu thế phát triển văn hóa trong bối cảnh hiện nay. Các chuyên gia, nhà khoa học, nghiên cứu cũng đề xuất mô hình kiến trúc Đền thờ và hình thức phụng thờ Đức thánh Trần tại Điện Biên.

Tuy nhiên, nhiều đại biểu cũng cho rằng cần bổ sung tư liệu lịch sử về đền thờ Đức thánh Trần tại Di tích Đồi A1, nghiên cứu tìm hiểu thêm các bằng chứng xác thực về sự tồn tại cũng như vị trí của Đền thờ. Ngoài ra, các đại biểu cũng nêu ý kiến cần cân nhắc có nên phục dựng Đền thờ Đức thánh Trần tại Di tích Đồi A1 hay lựa chọn một vị trí khác phù hợp hơn…

Thay mặt Ban Tổ chức, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Vừ A Bằng nghiêm túc tiếp thu, lĩnh hội các ý kiến tham gia của các đại biểu, các chuyên gia, nhà khoa học, nghiên cứu đóng góp tại Hội thảo. Ông Vừ A Bằng mong muốn, tỉnh Điện Biên sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm của các nhà khoa học, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, đặc biệt là của các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh về các thông tin, chứng cứ, luận chứng khoa học về Đền thờ Đức thánh Trần tại Di tích Đồi A1, để tỉnh có cơ sở thực hiện tiếp các bước tiếp theo trong thời gian tới.

Exit mobile version