Site icon FB68

Đọc “Khu vườn của Mẹ” của Mai Đậu Hũ: Định nghĩa lại thế giới theo cách trẻ thơ

Đọc "Khu vườn của Mẹ" của Mai Đậu Hũ: Định nghĩa lại thế giới theo cách trẻ thơ - Ảnh 1.

Không dễ gì để nói chuyện với trẻ thơ, bằng chính ngôn ngữ của trẻ thơ, nhất là khi tuổi người đã dày theo năm tháng. Nói như chính Mai Đậu Hũ, những dòng nhật kí của trẻ thơ có thể sáng tạo ra một “nước hồn nhiên”, mà nếu cần một “tấm hộ chiếu” để bạn có thể bước vào, thì đó là sự hồn nhiên chân thật

1. Tác giả Mai Đậu Hũ (tên thật là Phạm Thị Tuyết Mai, sinh năm 1991) đã có “tấm hộ chiếu” ấy, để bước vào, lắng nghe, ghi lại, viết nên một Khu vườn của mẹ, vỏn vẹn 30 bài thơ nho nhỏ xinh xinh gọi tuổi thơ về. Đọc Khu vườn của mẹ, người đọc sẽ được cùng tác giả định nghĩa lại thế giới theo cách của trẻ thơ.

Thế giới Khu vườn của mẹ bé lắm, với rau, củ, hoa, quả, động vật, dĩ nhiên không thể thiếu trẻ con, trung tâm của thế giới, ngay cả thế giới các loài cũng được soi chiếu bằng góc nhìn của trẻ. Bé thôi nhưng với cái nhìn say mê khám phá, mỗi sự vật đều chứa bao nhiêu kỳ thú, những dấu hỏi được đặt ra và trả lời theo kiểu chỉ có trẻ thơ mới nghĩ ra.

Đôi khi, thế giới được mở rộng ra ngoài khu vườn, khi bé được dắt đi chơi biển, khi bé nhìn lên trời cao nói chuyện mặt trời mặt trăng, thậm chí định nghĩa lại “thế giới”. Eo ôi, “thế giới nghe thật rộng lớn”, làm sao mà bé biết được? Nhưng bé có cách giải thích ngay:

Tại sao thế giới lộn xộn

Vì con người phải lớn lên

Tại sao con người phải lớn

Vì phải rời xa ti mềm.

                                       (Thế giới)

Câu hỏi “tại sao” mang tính triết học, có tầm vóc… vĩ mô, nhưng được trả lời thật giản đơn, đúng hay không thì tùy tiếp nhận, nhưng nó làm cho người đọc phải phì cười.

Với em bé, rời khỏi ti mềm thực sự là một thay đổi chấn động, nguyên nhân của mọi sự lớn, sự lộn xộn đều bắt nguồn từ đây. Đã có rất nhiều bộ sách “vì sao”, “tại sao” viết cho trẻ, nhưng phần lớn là trẻ em hỏi, người lớn giải đáp. Trong Khu vườn của mẹ, bé tự hỏi rồi trả lời, câu trả lời không giống ai.

Trẻ em định nghĩa lại thế giới theo cách của chúng, lớn lao tầm vũ trụ như ông mặt trời cũng thế thôi. Người lớn có sự tích ông mặt trời để giải thích nguồn gốc của tự nhiên thì trẻ thơ cũng có. Hãy nghe bé giải thích trong bài Sự tích ông mặt trời: “Mẹ chiên cho một chiếc bánh/ Hất lên lật mặt kia nào/ Ai ngờ mẹ tung cao quá/ Nó bay vót lên trời cao/ Thế là mất một chiếc bánh/ Trời xanh thêm một mặt trời/ Thôi đói một chút cũng kệ/ Miễn có nắng vàng nơi nơi”.

Hóa ra mặt trời là chiếc bánh mẹ lỡ tay hất lên trời. Nên bé Subin trong bài thơ tự hào nói với ông mặt trời rằng: “Nếu mà con không đói bụng/ Không có ông đâu, ông ơi”. Không biết ông mặt trời nghe có chịu không, nhưng không chịu cũng phải chịu, Subin đã nói như thế đấy, và người đọc nghe cũng chí lý. Cái lý của trẻ thơ, không thể đem cái đầu lạnh với mớ lý thuyết của người lớn vào được.

Dĩ nhiên trong Khu vườn của mẹ cũng có những câu hỏi và câu trả lời về màu sắc, hình dáng, mùi vị, chức năng… của sự vật trong thế giới tự nhiên, kiểu: “Củ khoai tây tròn tròn/ Củ cà rốt dài dài/ Củ nào cũng là củ/ Củ nào cũng phải nhai” (Củ ơi là củ). Khi đó câu hỏi mang tính thường thức, dừng lại ở giá trị nhận thức đơn giản.

Một số bài thơ trong tập được viết theo dạng này, đượm chút ngây ngô. Tuy nhiên, điểm độc đáo trong tập thơ của Mai Đậu Hũ là khi hòa mình vào thế giới trẻ thơ, cô đã làm bật lên những thú vị, độc đáo từ góc nhìn của trẻ, với sự… không giống ai, một cách nhận thức lại thế giới, cũng từ đó thế giới được khai sinh lần nữa. Những câu hỏi tưởng giản đơn mà lại khó nhằn, kiểu: “Mẹ ơi con mèo đẻ trứng/ Nở ra con mèo phải không?/ Bởi vì con gà đẻ trứng/ Rồi mới nở ra gà bông/ Mẹ đâu có đẻ quả trứng/ Tại sao vẫn đẻ ra em?” (Con mèo đẻ trứng?). 

Hết chuyện con mèo đẻ trứng đến chuyện Em bé và ba: “Cái bụng ba to thế/ Hẳn có em bé rồi/ Con rờ em mỗi tối/ Sao không thấy em cười”. Người lớn sẽ trả lời các em thế nào đây? Sẽ chống chế cho qua chuyện chăng? Có lẽ người lớn sẽ cười, như cách ông mặt trời cười trong bài thơ Thằng nhóc tắm mưa: “Thằng nhóc cởi truồng tắm mưa/ Ông mặt trời bỗng giữa trưa cười khì/ Ông ơi! Ông thấy cái gì?/ Mà sao ông lại hì hì hỡi ông?”. Và người đọc cũng cười, nhìn lại thế giới với mọi điều có lý và vô lý, thấy mình vẫn còn “tấm hộ chiếu” ngỡ thất lạc bước vào “nước hồn nhiên”.

Đó cũng là mong muốn của tác giả khi mời bạn bước vào khu vườn thơ của cô, trong lời giới thiệu ở bìa sau: “Mời bạn cùng tới chơi/ Khu vườn thơ của Lá/ Những nụ cười giòn giã/ Và những đóa hoa thơm”.

2. Mai Đậu Hũ tạo được một nét duyên riêng khi viết cho trẻ em, điểm sáng của cô chính là có thể đứng ở góc nhìn của trẻ thơ, nói bằng ngôn ngữ trẻ thơ. Mặc dù Khu vườn của mẹ còn có những chỗ chưa thật sự trau chuốt xét về ngôn ngữ thơ, nhưng tổng thể mang lại cho người đọc, nhất là trẻ em, một thế giới trẻ thơ đúng nghĩa.

Trẻ em đọc tập thơ như được bước vào thế giới của chính các em, trò chuyện cùng hoa lá, các loài động vật, đặt ra câu hỏi và nhận về câu trả lời hoàn toàn đúng với tâm lý trẻ. Một điều chắc chắn, các em sẽ bật cười, như mục tiêu Mai Đậu Hũ đặt ra khi viết cho thiếu nhi: “Viết để nhìn thấy nụ cười của trẻ thơ khi đọc sách của mình”. Mà người đọc không phải thiếu nhi cũng sẽ bật cười, vì ai chẳng đã từng là trẻ thơ và bên trong cũng có một đứa trẻ.

Như một mối duyên khế hợp, những bài thơ hồn nhiên của Mai được minh họa bởi những bức vẽ ngộ nghĩnh đáng yêu của Lạc An càng “chạm” được tâm hồn trẻ thơ. Được biết, Lạc An là nữ nhà văn, họa sĩ trẻ đã từng đạt giải Khát vọng Dế mèn với truyện dài thiếu nhi Ông Ba Bị và những đứa trẻ trong mơ. Khu vườn của mẹ thực sự là một món quà đáng yêu kết hợp hài hòa thơ và tranh vẽ gửi đến bạn đọc.

Exit mobile version