Site icon FB68

HAGL vẫn dẫn đầu V-League, đẳng cấp hay ‘hiện tượng’ nhất thời?

Bóng lăn trong tuần: Phố Núi vẫn dẫn đầu - Ảnh 1.

HAGL là đội bóng đầu tiên sau khi thăng hạng V-League 1 đoạt luôn chức vô địch rồi bảo vệ thành công chức vô địch. Đó là mùa giải 2002 và 2023.

Sau cú đúp vô địch của đội bóng phố Núi, đến lượt GĐT Long An ở mùa giải 2005 và 2006. Cùng với các chức vô địch của B.Bình Dương 2 mùa giải liên tiếp 2007 và 2008, đấy là giai đoạn mà sự cạnh tranh ở giải đấu cao nhất Việt Nam lên đến đỉnh điểm.

Trên dưới 20 năm đổ về trước, ở kỷ nguyên đầu bóng đá Việt Nam lên chuyên, giải đấu cao nhất xứ sở thực sự rất đáng xem. Các khái niệm kiểu như Gạch – Gỗ – Gốm – Thép trở nên phổ quát. Và vào giai đoạn đó, bóng đá Việt Nam cấp CLB là chuyện riêng của các ông bầu.

Tiền doanh nghiệp nhiều vô số kể. Từ bầu Đức, bầu Thắng, tới bầu Kiên, bầu Long, rồi bầu Trường…, tạo nên một cuộc chơi đầy sôi động và giàu tính cạnh tranh. Giai đoạn 2007-2012, V-League từng được xem là giải đấu số 1 Đông Nam Á về các giá trị thương mại và chuyên môn. Nhưng vị thế ấy, thật đáng tiếc, đã không thể duy trì cho đến sau này.

Tại V-League 1 mùa 2024/2025, người viết đã dự đoán, đây sẽ là chuyện riêng của Nam Định và HAGL. Và thực, họ đã chia điểm ở lượt trận gần nhất.

Hơn phân nửa các đội bóng tại V-League 1, quá bán các CLB ở V-League 2 và thậm chí cả BTC các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam, nhà tài trợ chính các giải đấu chuyên nghiệp và ngoài chuyên nghiệp, đều chung một nguồn tiền. Đặt trường hợp nếu nguồn tiền “sập”, bóng đá Việt Nam sẽ như thế nào? Hậu quả chắc chắn rất nặng nề.

Bỏ hết trứng vào một giỏ là phương án thiếu an toàn. Bóng đá Việt Nam, tuy có những thời điểm khó khăn, song không nhất thiết phải đánh đổi bằng mọi giá.

Trong nhiều năm kể từ khi lên chuyên, nền bóng đá và các giải bóng đá chuyên nghiệp, cùng với hệ thống thi đấu quốc gia, đã rất tiến bộ. Chúng ta nâng cấp được năng lực chinh phục của các CLB Việt Nam, cũng như các ĐTQG Việt Nam. Thậm chí đã có thể xuất khẩu cầu thủ.

Nhưng, ngay lúc này, dường như mọi thứ lại đang quay về thời kỳ bao cấp. Các cơn bão giá tự tạo, khiến cầu thủ và cả nền bóng đá bị ảo giác. Thực tế năng lực của chúng ta chưa thể được định giá cao như vậy.

Nếu như các giai đoạn 2007-2010 hay 2018-2020, thành tích của nền bóng đá là thước đo, thậm chí là barem để nâng giá cầu thủ, thì ngay lúc này, chỉ là giá trị ảo. Từ CLB đến các ĐTQG hoàn toàn không có chiến tích gì trong 2 năm qua, nhưng giá trị cầu thủ vẫn tăng phi mã.

Đi ngược với lợi ích chung, mà chỉ tính lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân, thì không thể đòi hỏi sự phát triển rồi. Tiếc thay! Đến như HAGL vẫn dẫn đầu và trở thành ứng viên vô địch mùa này, thì đủ hiểu rồi.

Exit mobile version