Site icon FB68

Ngày giỗ tổ của tình người

Ngày giỗ tổ của tình người - Ảnh 1.

Giỗ tổ sân khấu Việt Nam diễn ra vào 3 ngày 11, 12, 13/8 âm lịch hàng năm. Năm nay trùng vào 3 ngày 13, 14, 15/9 dương lịch. 

Đối với nghệ sĩ Việt Nam, đây được xem là khoảnh khắc thiêng liêng, thời điểm mà nhiều người lắng lòng nhìn lại hành trình mình đã qua, gửi đi nguyện ước thầm kín đến tổ nghiệp, ước mong một cơ may tỏa sáng. Năm nay, ngày cúng tổ có một điều khác lạ, ấm áp.

Tại cả hai đầu Bắc Nam, hơn 10 ngày trước ngày cúng tổ, đại diện các sân khấu đã phát thông báo hoặc gửi thư mời đến anh chị em nghệ sĩ, báo giới, thi sĩ, văn sĩ… Tất cả đến để thắp lên bàn thờ tổ nén hương khấn nguyện, để hàn huyên tâm sự. Thực tế, đây là dịp hiếm hoi để mọi người có thể thảnh thơi ngồi lại với nhau, vì những ngày khác, ai cũng tất bật mưu sinh. 

Đây là dịp để người đi trước chia sẻ kinh nghiệm và dạy bảo thế hệ đàn em những bài học quý giá về đạo làm nghề. Tất cả nhằm hướng tới một ý nghĩa: sân khấu là thánh đường – hãy cố gắng bỏ đôi hài bẩn của mình ở ngoài thánh đường thiêng liêng ấy.

Sở dĩ nghệ sĩ nhấn mạnh vào ý này vì nghệ thuật là chốn thị phi. Hào quang danh vọng rực rỡ luôn kéo theo những cạm bẫy, ảo tưởng và những chiêu trò, những hỉ nộ ái ố khó tránh khỏi. Bên cạnh những nghệ sĩ đáng kính, có nghệ sĩ vướng vào scandal kiểu tình tiền, và cả đạo đức làm người. Thế nên, có thể xem ngày giỗ tổ là dịp để người nghệ sĩ tự nhắc nhở mình rằng hãy cố gắng sống tử tế hơn được chừng nào hay chừng nấy.

Tại phía Nam, giỗ tổ sân khấu có từ lâu, bắt nguồn từ nghệ thuật hát bội lưu truyền qua đến cải lương, dần dà ảnh hưởng sang sân khấu ca nhạc, điện ảnh, múa. Mỗi chủ sân khấu đều tổ chức bàn thờ trang nghiêm để các nghệ sĩ đang cộng tác cúng bái. Họ quan niệm rằng phía sau hậu trường luôn có bàn thờ tổ, thì ngày giỗ tổ phải cúng tại sân khấu để tổ chứng giám lòng thành. Đặc biệt, trong 3 ngày này, các nghệ sĩ từ mới chập chững vào nghề đến gạo cội, không cúng tại một điểm, mà di chuyển qua nhiều nơi để thắp hương và gặp gỡ bạn nghề. Họ thực sự sống trong một tâm trạng vui vẻ, trang nghiêm, khác hẳn với ngày thường.

Tại sân khấu Hoàng Thái Thanh có những điểm mà người ngoại đạo nhìn vô sẽ cảm nhận rõ được lòng yêu nghề kính nghiệp từ sâu trong trái tim. Hai bên cánh sân khấu có bản ghi: “Vui lòng không mang dày dép lên sân khấu”. Ý nghĩa câu nhắc này ai cũng hiểu đừng mang những vấy bẩn ngoài kia vào thánh đường. 

Tại đây, bà bầu sân khấu kiêm người thầy, nghệ sĩ Ái Như thực hiện nghi thức rất đẹp. Học trò và diễn viên sân khấu xếp hàng rất cung kính, và chị xịt dầu thơm lên người, nói những lời chúc phúc. Mùi dầu thơm ấy ẩn ý rằng hãy giữ sự thơm tho cho nghề nghiệp. “Đường nghệ thuật đi hoài không hết/ Dốc vinh quang luôn khắc chữ tâm”, đây là hai câu hoành ở bàn thờ tổ của sân khấu này.

Có những nghệ sĩ danh tiếng được nhiều nơi mời đến chia vui vì đây như là ngày tết nghệ sĩ, nhưng vốn sống kín tiếng không thích sự náo nhiệt, thì tự cúng tại nhà. Nghệ sĩ Trung Dân là một trong số đó. Anh chia sẻ: “Trong căn nhà tôi, từ thuở hàn vi đến hiện tại, nơi trang trọng nhất là không gian thờ tự. Tại đây, tôi thờ quốc tổ Hùng Vương, thờ Phật, thờ cửu huyền và thờ tổ nghề. Trước khi khấn nguyện, tôi tắm gội sạch sẽ, để lòng an tĩnh rồi mới bắt đầu thắp hương. Đó là lúc tôi tĩnh tâm nhất và toàn tâm toàn ý nhất. Đó là lý do tôi thích cúng tổ tại nhà hơn là đến sân khấu, dù bàn thờ tổ sân khấu cũng thiêng liêng như thế”.

Có những nghệ sĩ nghèo và lớn tuổi, không còn được mời đi diễn nhiều, không ai mời đến một sân khấu nào đó, họ tự cúng đơn giản ở nhà một mình. Lễ cúng của họ có khi chỉ là một cái bánh, một chén chè, hoặc ít trái cây và nén hương. Trong một chốn riêng tư và cô quạnh, họ lặng lẽ gửi lòng thành kính của mình đến tổ nghiệp. Trong giới nghệ thuật, hơn 80% nghệ sĩ sống kiếp nghèo. Cái nghèo cái khổ đeo đẳng họ đến khi về già, nên họ sống lặng lẽ. Vậy nên, những người tự cúng tổ ở một góc riêng của mình vào những ngày này rất nhiều.

Năm nay, miền Bắc bị lũ lụt tang thương. Nhiều nghệ sĩ đã rất nhanh chóng tự nguyện lấy tiền túi ra cứu trợ. Vào đúng ngày giỗ tổ, nhiều sân khấu phía Nam, tiêu biểu là sân khấu Trịnh Kim Chi và sân khấu 5B Võ Văn Tần đặt thùng quyên góp. Tất cả số tiền này được công khai và chuyển đến Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Bão đến tàn phá, lại vô tình lộ ra tình nhân loại, tình đồng bào, khiến cho ngày giỗ tổ thêm ấm áp. Năm nay, thay vì bàn về các dự án, các nghệ sĩ nói về chữ thương, sự chia sẻ. Tất cả theo khả năng mình, thể hiện tình yêu và trách nhiệm của một công dân – nghệ sĩ trước đạo lý truyền thống: “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Người trong một nước phải thương nhau cùng”.

NSND Trịnh Kim Chi, Phó chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM, bộc bạch: “Tôi làm thiện nguyện từ hơn 20 năm qua. Chi phí do cá nhân và bạn bè thân hữu góp sức, dần dần đến người hâm mộ. Giờ đây, trong vai trò phó chủ tịch hội sân khấu và hội ái hữu nghệ sĩ, tôi phụ trách các hoạt động thiện nguyện hướng tới nghệ sĩ già, neo đơn, nên việc thiện nguyện luôn tiếp tục. Dẫu vài năm qua, điều tiếng việc nghệ sĩ làm từ thiện vẫn còn dư âm rất nặng nề, nhưng tôi nghĩ cái tâm mình ngay thẳng thì mình cứ làm việc nghĩa. Mọi thứ đều được minh bạch, công khai trên mạng xã hội. Toàn bộ số tiền thu được từ anh chị em cô chú bác trong ngày cúng tổ, chúng tôi gửi trực tiếp ra cho bà con gặp khó khăn trong vùng lũ”.

Exit mobile version