Site icon FB68

Tập truyện “Ai nói & tại sao lại nói như thế” của Văn Giá: Tạo dựng một “kiểu người kể chuyện” riêng

Tập truyện "Ai nói & tại sao lại nói như thế" của Văn Giá: Tạo dựng một "kiểu người kể chuyện" riêng - Ảnh 1.

Ngay từ nhan đề Ai nói & tại sao lại nói như thế, tập truyện ngắn mới nhất của Văn Giá dường như đã gây một cảm giác truyện được viết bởi một nhà phê bình. Nhưng không, đọc tập truyện này ta thấy ông đã “vượt thoát” khỏi vai một người nghiên cứu, để định hình một cây bút truyện ngắn có phong cách riêng.

Tên tuổi của PGS-TS Văn Giá được định vị trong giới văn chương chủ yếu với vai trò của một nhà nghiên cứu với hàng chục tiểu luận – phê bình, chân dung văn học, giáo trình đã xuất bản. Nhưng, còn có một Văn Giá trong vai của người sáng tác sở hữu gia tài đáng kể với 4 tập truyện ngắn: Một ngày nát vụn (2009), Một ngày lưng lửng (2015), Mưa ở Bình Dương (2019) và mới nhất là Ai nói & tại sao lại nói như thế (NXB Hội Nhà văn, 2024).

“Thể nghiệm” truyện ngắn để chia sẻ với học trò

Nếu tính từ tập truyện đầu tiên xuất bản, Văn Giá đã đi với truyện ngắn được 15 năm và đều đặn có những sáng tác mới trong nhiều năm qua. Ông chuyển mình sang vai trò của một người sáng tác không phải để sắm thêm vai, càng không phải để gây dựng tên tuổi, mà phần nhiều bởi mối duyên nợ với thể loại truyện ngắn.

Ông cho biết đã viết truyện ngắn từ hồi sinh viên (những năm 1980) nhưng viết mãi chưa thành. Đến năm 1987, ông học cao học, làm nghiên cứu sinh, rồi bước hẳn vào con đường nghiên cứu phê bình văn học. Tưởng rằng, duyên với truyện ngắn sẽ “giữa đường đứt gánh” từ đây, nhưng với Văn Giá: “Truyện ngắn là một thể loại tựa như mối tình đầu của tôi trong văn chương. Đã định bụng thôi hẳn đấy, nhưng lạ thay, nó luôn khiến tôi bận lòng”.

Đến năm 2008, ông trở lại với “mối tình đầu” bằng 2 truyện ngắn Về thôi, Trên máy bay đăng báo Văn nghệ. Kể từ dấu mốc này, ông được các nhà văn Lê Minh Khuê, Hồ Anh Thái và nhiều bạn văn khích lệ tiếp tục sáng tác.

Cùng với tình yêu, để Văn Giá có thể trường sức đi với truyện ngắn còn nhờ chính những học trò của ông. Năm 2007, ông được mời về làm Trưởng khoa Sáng tác và Lý luận – Phê bình văn học thuộc Đại học Văn hóa Hà Nội (nay là Khoa Viết văn – Báo chí). Lúc này, ông phải đảm nhiệm giảng dạy bộ môn lý thuyết thể loại truyện ngắn cho sinh viên viết văn. Với suy nghĩ, nếu giảng dạy mà có thêm thực hành sẽ có sức thuyết phục hơn, thế nên ông đã gắng thử sức ở thể loại này.

“Mỗi truyện ngắn của tôi thường có một chút thể nghiệm, có khi rất nhỏ thôi về nghệ thuật tự sự, thí dụ về sắp xếp/dàn dựng văn bản; về trộn giọng giữa người kể chuyện với nhân vật, nhịp điệu trần thuật; về không khí truyện; về phi trung tâm hóa nhân vật/đa điểm nhìn… Cũng không rõ có chút thành công nào không, nhưng để khi lên lớp, bên cạnh việc dẫn các văn liệu của các nhà văn bậc thầy, tôi cũng chia sẻ cho các sinh viên cách ứng dụng của tôi” – ông cho biết.

Tạo dựng “người kể hiểu chuyện”

Khiêm tốn nói “không rõ có chút thành công nào không” trong những thể nghiệm sáng tác truyện ngắn, thế nhưng chỉ với tập truyện Ai nói & tại sao lại nói như thế vừa được ra mắt, ta thấy một Văn Giá – nhà văn tròn vai, có những bước chuyển mượt mà, thanh thoát từ phê bình sang sáng tác. Hơn thế, ở tập truyện này, Văn Giá đã định hình rõ nét phong cách truyện ngắn, cũng như những đóng góp đối với thực tế sáng tác hiện nay.

Theo TS Cao Kim Lan (Viện Văn học), ngay từ nhan đề Ai nói & tại sao lại nói như thế, tác giả Văn Giá đã có một thử nghiệm mới lạ và đầy thách thức.

“Nhắc tới Ai nói… là bàn về kỹ thuật, thủ pháp kể chuyện. Thông thường các nhà văn sẽ giấu đi kỹ thuật, thủ pháp của mình, họ chỉ muốn trưng ra thế giới nghệ thuật để độc giả tìm thấy sức hấp dẫn ma thuật của truyện kể trong tác phẩm” – Cao Kim Lan phân tích – “Nhưng, Văn Giá lại làm ngược lại. Ông trưng toàn bộ kỹ thuật ngay ở nhan đề của tập truyện. Đó có thể là con dao 2 lưỡi, hoặc thành công, hoặc khiến tập truyện bớt đi sự hấp dẫn. Dường như, từ nhan đề này đã mở ra con đường để độc giả nương theo mà bước vào thế giới truyện ngắn của tác giả”.

Tiếp tục đi sâu vào tập truyện, nhà phê bình Cao Kim Lan khẳng định tác giả Văn Giá đã có một đóng góp quan trọng, đó là kiến tạo và định hình được một dạng thức “người kể chuyện” riêng, làm nên vẻ đẹp trong truyện kể của ông.

Như lời nhà nghiên cứu này, mỗi truyện kể luôn có một người kể chuyện. Và, người kể chuyện chính là công cụ đắc lực nhất để truyền tải toàn bộ thông điệp, tư tưởng của nhà văn. Chẳng hạn, đó là “người kể chuyện tự ý thức” trong Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, “người kể truyện bất chấp” trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, “người kể chuyện vị kỷ” trong Một ví dụ xoàng của Nguyễn Bình Phương… Đọc Ai nói & tại sao lại nói như thế, từ đầu đến cuối với rất nhiều góc khuất, mảnh đời khác nhau, ta thấy Văn Giá đã tạo dựng được một kiểu người kể chuyện riêng, đó là “người kể hiểu chuyện”.

“Người kể hiểu chuyện của Văn Giá trong tập truyện trước hết thể hiện ở hệ thống đại từ nhân xưng được tác giả sử dụng. Đó là, người kể chuyện gọi nhân vật luôn ở trong tình trạng khá suồng sã như: thằng, đứa, con mẹ này…” – Cao Kim Lan dẫn chứng – “Cách gọi này tạo ra vị thế ngang hàng với nhân vật, giúp tác giả hiểu nhân vật khiến lời kể, lời dẫn, lời bình của người kể chuyện trong truyện kể của Văn Giá luôn mang tính đối thoại”.

Từ đặc điểm này, Văn Giá đã tạo ra một lối kể, lối dẫn chuyện khá bất ngờ. Thông thường lời dẫn chuyện và lời nhân vật được ngăn cách thông qua các hình thức xuống dòng hoặc đặt trong ngoặc kép. Thế nhưng trong mạch truyện của Văn Giá những đoạn hấp dẫn nhất, lạ nhất lại là những đoạn văn trộn lẫn tất cả, gồm cả lời dẫn, lời thoại và lời bình. Cách viết như vậy vừa lược bớt tối đa những lời dẫn rườm rà, vừa tạo ra một bản tổng phổ kết hợp nhiều âm thanh hòa lẫn nhiều tiếng nói ồn ào, nhốn nháo. Nhưng thật lạ, người đọc vẫn hình dung rõ mồn một từng bước ngoặt, từng tiếng nói trong đám đông xô bồ, bát nháo của đời sống xã hội. Với thủ pháp này, truyện ngắn Văn Giá đã tạo ra một nét riêng, một hình thức mới của diễn ngôn.

Tiếng nói cất lên từ đời sống

Dựa trên nền tảng của lý thuyết diễn ngôn, Văn Giá đã tạo ra tinh thần thống nhất của 17 truyện ngắn có trong Ai nói & tại sao lại nói như thế. Trong đó, ông chủ đích muốn chuyển dịch trọng tâm trong các tác phẩm của mình từ việc “Nói cái gì?” để sang việc “Tại sao lại nói như vậy” mà không nói khác?

Minh chứng dễ thấy, lời của người kể chuyện trong tập truyện này đã mang đến những ám ảnh về những vấn đề thiết thân, nóng hổi của đời sống. Nói như nhà văn Phùng Văn Khai, ngòi bút Văn Giá luôn đề cao trách nhiệm công dân. Trách nhiệm ấy thể hiện ở việc ông để cho những cảm hứng sát sườn, những chuyển động của đời sống ùa vào tác phẩm ngay lập tức. Ông có một đức tính, đó là cập nhật đời sống rất nhanh vào tác phẩm, kể cả phê bình, thơ và truyện ngắn. Đó là một đóng góp đáng quý.

Hoặc như nhấn mạnh của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam: Văn Giá đã theo đuổi văn chương một cách đầy hứng khởi, chân thành, nhiệt huyết, và đôi khi đầy mộng mị. Bởi thế, những trang viết của ông dù ở hình thức nào cũng mang lại cho chúng ta những tiếng nói từ bên trong, thì thầm nhưng đầy mãnh liệt, giản dị nhưng đầy kiên quyết.

Exit mobile version