Liệu triển lãm mới của Phòng trưng bày Quốc gia Anh có thể phá vỡ quan niệm xưa cũ về Van Gogh, rằng ông đã kết thúc cuộc đời trong thất bại, với cảnh nghèo túng và bị giới nghệ thuật phớt lờ?

“Tôi đang sống trong một cái lồng của sự xấu hổ, tự ti và thất bại”, Vincent van Gogh thốt lên đau khổ trong bộ phim tiểu sử giành giải Oscar Lust for Life (1956).

Trong phim, nam diễn viên Kirk Douglas vào vai họa sĩ Hà Lan xui xẻo. Ở một phân cảnh, ông ngồi trên chiếc giường rơm nghèo nàn, mặc quần áo rách rưới và mặt mũi lấm lem, cầu xin em trai Theo của mình: “Ai đó, hãy tin tôi!”

Gần 7 thập kỷ đã trôi qua kể từ khi bộ phim ra mắt khán giả. Tuy nhiên, tác động từ tiếng nghiến răng rên xiết của Douglas lớn đến mức hình ảnh danh họa thế kỷ 19 đã bị nhân loại khắc ghi như một người cô độc nhưng tràn trề nhiệt huyết, người có khả năng truyền tải những cảm xúc sâu sắc qua những màu sắc rực rỡ.

Nhưng liệu chân dung đó có chính xác không? Không – theo một triển lãm mới tại Phòng trưng bày Quốc gia ở London, sẽ khai mạc vào tháng tới.

Lật lại nghi vấn về "thiên tài bị bỏ rơi" Van Gogh - Ảnh 1.

Phá bỏ những “truyền thuyết”

Triển lãm mới được mở để kỷ niệm 200 năm thành lập phòng trưng bày và 100 năm sau khi họ mua lại được bức tranh Hoa hướng dương (1888) trứ danh của Van Gogh, cùng với một bức khác của ông, vẽ một chiếc ghế mộc trên nền gạch đất nung.

Mang tên Van Gogh: Nhà thơ và Người tình, triển lãm sẽ thách thức một số quan niệm sai lầm cũ kỹ về người nghệ sĩ phức tạp và có tầm nhìn xa này – những quan niệm lần đầu được gieo vào trí tưởng tượng của công chúng khi ông tự bắn vào ngực mình trên một cánh đồng bên ngoài ngôi làng Auvers-sur-Oise của Pháp, vào tháng 7/1890. Khi đó, ông mới 37 tuổi.

Đối với những người tổ chức triển lãm, đã đến lúc phá bỏ “truyền thuyết” rằng Van Gogh là một kẻ điên rồ liều lĩnh, người đã không thể đạt được bất kỳ thành tựu nào với tư cách là một nghệ sĩ trong suốt cuộc đời mình.

Lật lại nghi vấn về "thiên tài bị bỏ rơi" Van Gogh - Ảnh 2.

Không ai có thể phủ nhận rằng Van Gogh mắc bệnh tâm thần. Tuy nhiên, các nhà sử học nghệ thuật nghi ngờ về quan niệm lỗi thời rằng thiên tài của ông gắn liền với “sự điên rồ”.

Trong sự nghiệp hội họa ngắn ngủi kéo dài 10 năm, Van Gogh đã đạt được thành công đáng kể, ít nhất là trong giới tiên phong. Thay vì lao động quần quật trong bóng tối ở miền Nam nước Pháp, sau khi chuyển đến thành phố cổ Arles vào năm 1888 (nơi ông ở lại trong 15 tháng, trước khi bị đưa vào nhà thương điên), Van Gogh đã dần tạo dựng được tên tuổi cho mình.

Triển lãm cũng xem xét lại “sự thật” rằng trước khi mất, ông chỉ bán được một bức tranh duy nhất, Vườn nho đỏ (1888), cho họa sĩ người Bỉ Anna Boch với giá 400 franc vào năm 1890. Điều này thường được nhắc tới để củng cố lập luận rằng trong suốt đời mình, Van Gogh là người vô danh đáng thương. “Điều đó hoàn toàn không đúng”, Cornelia Homburg, giám tuyển của triển lãm, phủ nhận.

Lật lại nghi vấn về "thiên tài bị bỏ rơi" Van Gogh - Ảnh 3.

Công chúng đã biết từ những lá thư của Van Gogh rằng, khi ở Paris – nơi ông sống với em trai Theo trong 2 năm cho đến năm 1888 – ông đã bán được một số bức tranh, một số trong đó có thể đã bị thất lạc.

Tuy nhiên, thời gian Van Gogh ở Paris nằm ngoài phạm vi triển lãm lần này. Thay vào đó, triển lãm tập trung vào chuyến lưu trú của ông ở phía Nam, nơi ông đã sáng tác các bức tranh Hoa hướng dương và Đêm đầy sao.

Dù vậy, việc xem xét khoảng thời gian đó là rất quan trọng để sửa chữa sự nhầm lẫn vẫn bao quanh Van Gogh – người chỉ quyết định trở thành nghệ sĩ ở tuổi 27, vào năm 1880. Đến năm 1885, Van Gogh tin rằng, như ông đã viết trong một lá thư, “sức mạnh” sáng tạo của ông đã “trưởng thành”. Nhưng phải đến khi ông đến Paris, vào tháng 2/1886, nghệ thuật của ông mới bắt đầu bùng nổ.

Luôn là “nhân vật chính”

Tại Paris, một phần nhờ vào mối quan hệ của Theo – một nhà buôn tranh ủng hộ hội họa tiên phong – Van Gogh đã làm quen với các xu hướng nghệ thuật mới nhất và kết bạn với một số họa sĩ Hậu Ấn tượng quan trọng.

Van Gogh cũng tìm hiểu nền văn học đương đại, tham dự các buổi hòa nhạc của Richard Wagner và sưu tầm các bản khắc gỗ tranh phù thế đầy biểu cảm của Nhật Bản (vốn đang rất thịnh hành). Rõ ràng, ông hòa mình và thấy rất phấn khích trước bầu không khí của thành phố được coi là thủ đô nghệ thuật phương Tây khi đó.

Hơn nữa, Van Gogh cũng rất tham vọng. Ở Paris, ông đã tổ chức 2 cuộc triển lãm: Một tại một quán cà phê ở Montmartre, một tại nhà hàng trong triển lãm nhóm với hơn 100 tác phẩm nghệ thuật. Ông còn tham gia triển lãm cùng Signac và Georges Seurat, được tổ chức tại phòng tập ở một nhà hát.

Theo Bregje Gerritse, một nhà nghiên cứu tại Bảo tàng Van Gogh ở Amsterdam, tốc độ mà người nghệ sĩ này thâm nhập vào giới tiên phong Paris là “khá đặc biệt”. Van Gogh có thể không bán được nhiều tranh, nhưng được các đồng nghiệp tôn trọng và trao đổi tranh. Nghệ thuật của ông đã được mọi người nhìn nhận.

Lật lại nghi vấn về "thiên tài bị bỏ rơi" Van Gogh - Ảnh 5.

Đến năm 1888, Van Gogh đã kiệt sức với cuộc sống đô thị, nhưng việc chuyển đến Arles không nhất thiết bị coi là sống ẩn dật. Trong thế kỷ 19, rất nhiều các nghệ sĩ tiên phong thường dành thời gian bên ngoài Paris. Vì vậy, quyết định đến Provence – nơi ông hy vọng sẽ lôi kéo những nghệ sĩ khác tham gia cùng ông trong “Xưởng tranh phía Nam” – có lẽ không phải là bằng chứng của sự lập dị hay tuyệt vọng ở của Van Gogh.

Từ Provence, Van Gogh vẫn giữ liên lạc với những diễn biến ở Paris bằng cách trao đổi thư từ với Theo, và danh họa Gauguin. Vào tháng 10/1888, Gauguin đến Arles, sống và làm việc với Van Gogh trong 9 tuần tại nơi gọi là Ngôi nhà màu vàng.

Thời gian họ bên nhau đã kết thúc trong thảm họa: vào ngày 23/12/1888, Van Gogh lên cơn suy nhược thần kinh đầu tiên và cắt đứt một phần tai trái của mình. Tuy nhiên, bất chấp căn bệnh và đam mê cháy bỏng của mình, Van Gogh, theo giám tuyển Homburg, là “một nghệ sĩ cực kỳ có học thức, chu đáo và thận trọng. Ông là người có tầm nhìn về những gì muốn đóng góp cho nghệ thuật đương đại và đã làm mọi thứ có thể để hiện thực hóa điều đó”.

Điều này giải thích tại sao ông vẽ các họa tiết mới, chẳng hạn như hoa hướng dương rực rỡ hoặc cây bách sẫm màu, để tối đa hóa sự khác biệt trong nghệ thuật của mình. Như ông đã viết trong một lá thư gửi Theo: “Hoa hướng dương là của anh, theo một nghĩa nào đó”.

Còn nhiều bằng chứng khác cho thấy chuyện ông bị phớt lờ trong xã hội là không đúng. Năm 1889, Van Gogh được mời tham gia triển lãm tại salon Les XX ở Brussels. Đơn vị tổ chức là một nhóm nghệ sĩ tiên phong của Bỉ, được thành lập năm 1883. Thường niên, họ sẽ mời 20 nghệ sĩ quốc tế nổi tiếng nhất tham gia triển lãm của mình.

Vào thời điểm đó, các danh họa Camille Pissarro, Claude Monet, cũng như Seurat, đã triển lãm ở Les XX. “Một khi nhận được lời mời đến Les XX” – Homburg giải thích – “đó thực sự là một sự kiện lớn”. Van Gogh đã gửi 6 bức tranh đến triển lãm của hội năm 1890 – bao gồm Vườn nho đỏ (nơi Boch, thành viên nữ duy nhất của Les XX, tình cờ xem được bức tranh này và mua).

Bốn ngày sau khi triển lãm khai mạc, tạp chí Mercure de France đã đăng một bài viết của nhà phê bình nghệ thuật người Pháp Albert Aurier, ca ngợi Van Gogh là “một nghệ sĩ thực thụ và mạnh mẽ, có đôi bàn tay tàn bạo của một người khổng lồ, thần kinh của một người phụ nữ cuồng loạn, tâm hồn của một nhà chuyên môn”.

Và Van Gogh có được danh tiếng quốc tế ngày càng lớn mạnh sau khi qua đời có lẽ vì khi sống, ông đã sắp nổi đình đám. Người ta thường nói rằng những người cùng thời với ông không thể hiểu được ông muốn gì trong các bức tranh của mình, nhưng điều này không đúng. Trong khi Van Gogh tin rằng ông đang định hình nên “nghệ thuật của tương lai”, thì các bức tranh của ông cũng được một số người đánh giá cao – ít nhất là trong thời đại của ông.

Nói như giám tuyển Homburg, Van Gogh không phải là người cô độc hay nạn nhân, mà “là một nhân vật chính trong bối cảnh nghệ thuật đương đại”.

Vì sao những câu chuyện sáo rỗng về Van Gogh như một thiên tài điên rồ và đầy bi kịch vẫn tồn tại? Có lẽ là bởi mọi người luôn thích những câu chuyện kịch tính. Ngay chính nhà báo Aurier cũng đã đặt nền móng cho huyền thoại này khi ông mô tả Van Gogh là một trong những người luôn đứng ngoài cuộc, một “kẻ cuồng tín” và “một thiên tài khủng khiếp luôn gần với bệnh lý”.

Ngoài ra, mọi người có thể dễ đồng cảm khi đọc các bức thư của Van Gogh. “Ai cũng hứng thú với suy nghĩ rằng mình có khả năng không thành công ngay bây giờ, nhưng được phát hiện và sẽ trở nên vô cùng thành công trong 10 hoặc 20 năm nữa” – theo nhà nghiên cứu Gerritse.

Chủ đề:
Thẻ:

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *